Nghị định 70/2023/NĐ-CP đã được ban hành để sửa đổi và bổ sung 14 điểm quy định trong Nghị định số 152/2020/NĐ-CP về việc làm của người nước ngoài tại Việt Nam và việc tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Theo cơ chế rút gọn, Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành, tức ngày 18/9/2023. Nghị định này cũng bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Lao động 2019;
- Nghị định 152/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 35/2022/NĐ-CP và Nghị định 70/2023/NĐ-CP về việc làm của người nước ngoài tại Việt Nam và việc tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Sửa đổi khái niệm chuyên gia và giám đốc điều hành
Chuyên gia là người lao động nước ngoài hiện nay không còn cần đáp ứng điều kiện có ít nhất 3 năm kinh nghiệm “làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc” mà thay vào đó chỉ cần “làm việc phù hợp với vị trí công việc” mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. Quy định tương tự cũng được áp dụng cho “Lao động kỹ thuật” để giảm bớt gánh nặng chứng minh cho người lao động khi xin cấp phép hoặc xác nhận tại cơ quan nhà nước theo quy định.
Đối với giám đốc điều hành, thay vì chỉ quy định là “người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” thì hiện nay một trong trường hợp sau là người lao động nước ngoài có thể đáp ứng điều kiện được coi là giám đốc điều hành để hưởng các quy định về cấp giấy phép lao động tương ứng:
- Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
- Người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Quy định về quản lý sử dụng lao động nước ngoài
Xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài
Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 4 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP về sử dụng người lao động nước ngoài như sau:
- Rút ngắn thời gian phát sinh trách nhiệm nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài từ ít nhất 30 ngày xuống ít nhất 15 ngày trước ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài. Thời hạn này cũng áp dụng với quy định về nộp báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động.
- Bổ sung trường hợp không cần thực hiện xác định nhu cầu sử dụng lao động thêm các trường hợp lao động nước ngoài:
- Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.
- Là người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
- Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng ODA theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài.
- Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Tình nguyện viên là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức tự nguyện và không hưởng lương để thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
- Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu hoặc quản lý cơ sở giáo dục theo quy định tại Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 70/2023/NĐ-CP.
Thông báo tuyển dụng
- Quy định được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2024
- Việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến được thực hiện trên:
- Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm);hoặc
- Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập
- Thời hạn: ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
- Nội dung thông báo tuyển dụng bao gồm: vị trí và chức danh công việc, mô tả công việc, số lượng, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian và địa điểm làm việc.
- Sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị ví tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định trên.
Báo cáo sử dụng người lao động nước ngoài
Bên cạnh nghĩa vụ báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm và đột xuất về tình hình sử dụng người lao động thì nghị định mới bổ sung quy định về trường hợp bảo cáo cho người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đáp ứng nhu cầu thực tiễn việc làm người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể:
- Người thực hiện: người sử dụng lao động
- Hình thức báo cáo: qua môi trường điện tử về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài đến làm việc theo Mẫu số 17/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
- Thời hạn: trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc.
Thay đổi về giấy phép lao động
Những thay đổi của Nghị định 70/2023/NĐ-CP được trình bày chi tiết trong bài viết Điểm mới Nghị định 70/2023/NĐ-CP liên quan đến Giấy phép lao động của Luật Đăng Quang. Về tổng quan, một số điểm mới quan trọng bao gồm:
- Người lao động nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam không còn được miễn thủ tục xác nhận thuộc diễn miễn giấy phép lao động, tức là họ vẫn sẽ phải thực hiện thủ tục xác nhận người không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước ít nhất 10 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc thay vì chỉ thông báo như trước đây.
- Trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều địa điểm thì trong văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động phải liệt kê đầy đủ các địa điểm làm việc.
- Bổ sung hồ sơ cấp phép trong trường hợp đặc biệt mới đối với người lao động nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật đã được cấp giấy phép lao động và đã được gia hạn một lần mà có nhu cầu tiếp tục làm việc với cùng vị trí công việc và chức danh công việc ghi trong giấy phép lao động.
- Quy định mới về hình thức giấy phép lao động và bản điện tử của giấy phép.
- Thay đổi về hồ sơ cấp mới, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động.
Thay đổi về thẩm quyền quản lý, cấp phép
Ủy ban nhân dân tỉnh
Thẩm quyền tiếp nhận báo cáo nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, đề nghị tuyển người lao động nước ngoài, chấp thuận sử dụng lao động, của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã được chuyển giao lại toàn bộ cho cơ quan chuyên trách là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội bên cạnh thẩm quyền chính của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm).
Theo đó, tại Điều 30, Ủy ban nhân dân đã không còn trách nhiệm:
- Chỉ đạo cơ quan, tổ chức của địa phương giới thiệu, cung ứng lao động Việt Nam cho nhà thầu;
- Quyết định việc cho phép nhà thầu được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào từng vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam trên địa bàn;
- Chấp thuận những vị trí công việc được sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn hoặc giao cho cơ quan được ủy quyền.
Ban quản lý khu công nghiệp
Ngoài ra, Điều 1.14 Nghị định 70/2023/NĐ-CP cũng đã bãi bỏ điểm a khoản 6a Điều 30 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thẩm quyền của ban quản lý khu công nghiệp tương ứng với quy định trong Nghị định 35/2022/NĐ-CP tại Điều 68, cũng bãi bỏ quyền:
- Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế, và
- Tiếp nhận báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài, và
- Tiếp nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế về nhu cầu sử dụng người nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được.
Như vậy, việc các thủ tục liên quan đến giấy phép lao động hiện nay chỉ được thực hiện tại Bộ hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Việc phân chia thẩm quyền giữa Bộ và Sở cũng được bổ sung. Cụ thể, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện các thủ tục liên quan đến trường hợp người lao động “Làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”, bên cạnh các trường hợp liên quan đến tổ chức công lập theo quy định tại Nghị định cũ.
Tổ chức được phân cấp, ủy quyền
Nghị định mới cũng bãi bỏ thẩm quyền của các “Tổ chức được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phân cấp, ủy quyền, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu” trong việc tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài để tập trung thẩm quyền cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Việc loại bỏ một cơ chế phân cấp này sẽ tạo thuận lợi cho việc quản lý, kiểm tra và giám sát công tác tuyển dung, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho nước ngoài.
Trên đây là một số nội dung cập nhật về những điểm mới Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được Luật Đăng Quang tổng hợp. Quý khách có nhu cầu cấp mới, cấp lại, gia hạn Giấy phép lao động hay các thủ tục liên quan, vui lòng liên hệ đến Luật Đăng Quang để được hỗ trợ tốt nhất.