28/11/2023 - 10:35

Chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp

Hộ kinh doanh cá thể là một hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô vốn thấp danh cho các cá nhân, hộ gia đinh. Tuy nhiên sau thời gian hoạt động, chủ hộ kinh doanh cần chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Như vậy muốn chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp thì phải làm như thế nào ? Hồ sơ, trình tự thủ tục chuyển đổi ra sao ?
Sau đây Luật Đăng Quang sẽ giới thiệu với các bạn quy định mới nhất về chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp.

Chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp

Quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp

Theo các quy định trước đây thì không thể chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp mà chủ hộ kinh doanh chỉ có thể lựa chọn giải thể hộ kinh doanh và đồng thời thành lập doanh nghiệp.
Nhưng hiện nay căn cứ theo trong Nghị định số: 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì ở Điều 27 của Nghị định thì hộ kinh doanh có thể trực tiếp chuyển đổi thành doanh nghiệp và việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính.

Hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp

Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh bao gồm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế và các giấy tờ quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25 và Điều 26 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.

Cụ thể như sau :

Hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp tư nhân

(1) Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh bản chính.
(2) Giấy chứng nhận đăng ký thuế bản sao hợp lệ.
(3) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
(4) Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ doanh nghiệp tư nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu.

Hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần và công ty hợp danh

(1) Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh bản chính.
(2) Giấy chứng nhận đăng ký thuế bản sao hợp lệ.
(3) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
(4) Điều lệ công ty.
(5) Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần. Danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông nước ngoài là tổ chức.
(6) Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:

  • Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu.
  • Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức.
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

(1) Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh bản chính.
(2) Giấy chứng nhận đăng ký thuế bản sao hợp lệ.
(3) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
(4) Điều lệ công ty.
(5) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020.

(6) Danh sách người đại diện theo ủy quyền và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu của từng đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020.
(7) Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:

  • Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân;
  • Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, Điều lệ hoặc tài liệu tương đương khác của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước);
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

(8) Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức.

Trình tự, thủ tục thực hiện chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tương ứng với loại hình doanh muốn chuyển đổi như trên.
Bước 2 : Nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính.
Bước 3 : Phòng đăng ký kinh doanh tiếp nhận và xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Sau đó trả biên nhận hồ sơ có hẹn thời gian trả kết quả.
Bước 4 : Đến ngày như trên biên nhận đến Phòng đăng ký kinh doanh nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 5 : Khắc dấu doanh nghiệp và thông báo mẫu con dấu.
Bước 6 : Đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày thành lập.

Ngoài ra trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.

Lưu ý khi chuyển đổi từ Hộ Kinh Doanh Cá Thể thành Doanh nghiệp

Khi chuyển đổi thành công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần lưu ý các vấn đề liên quan đến thuế như sau:
Về mã số thuế

  • Doanh nghiệp sẽ được cấp mã số mới theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 
  • Mã số thuế của hộ kinh doanh cũ sẽ chấm dứt hiệu lực và được tiếp tục sử dụng làm mã số thuế cá nhân của người đại diện hộ kinh doanh.

Về nghĩa vụ thuế
Trước khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, hộ kinh doanh có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan quản lý thuế.
Nếu hộ kinh doanh không hoàn thành nghĩa vụ thuế thì:

  • Doanh nghiệp mới chuyển đổi sẽ kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ từ hộ kinh doanh cũ;
  • Trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, chủ hộ kinh doanh (người đại diện hộ kinh doanh) phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ chưa thanh toán của hộ kinh doanh.

Lợi ích, hạn chế khi chuyển từ hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp

Lợi ích khi chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Những lợi ích khi kinh doanh theo loại hình doanh nghiệp:

  • Được hoạt động dưới tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, thuận tiện hơn trong các giao dịch dân sự, vay vốn ngân hàng;
  • Chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn điều lệ của công ty;
  • Nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ các hiệp hội nghề nghiệp, tiếp cận  được với các ưu đãi đầu tư từ nhà nước, khi hoạt động với chức năng mới, doanh nghiệp có thể huy động được sự tham gia góp vốn của tổ chức, cá nhân khác; dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn cho vay của ngân hàng, có cơ hội được mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao vị thế trên thương trường…

Đặc biệt khi hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp còn được hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước:

  • Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu, miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
  • Miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
  • Miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
  • Được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ soạn thảo miễn phí hồ sơ thành lập doanh nghiệp;
  • Được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
  • Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều kiện để được hỗ trợ: Trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Hạn chế khi chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Bên cạnh những lợi ích, vẫn còn những mối lo ngại lớn hơn khiến nhiều hộ kinh doanh mặc dù có doanh thu tốt vẫn không muốn chuyển sang kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp. Nguyên nhân mà nhiều hộ kinh doanh “ngại chuyển đổi” là vì:

  • Doanh nghiệp phải đóng nhiều loại thuế với thuế suất cao hơn nhiều lần hộ kinh doanh như: Thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, đóng hộ thuế thu nhập cá nhân cho người lao động và các loại thuế khác như: Thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt…;
  • Sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp phải mở sổ sách kế toán, hàng tháng còn phải tốn tiền thuê kế toán, rồi phải mua chữ ký số, hóa đơn điện tử…;
  • Chế độ sổ sách kế toán của doanh nghiệp rất phức tạp, phải kê khai, quyết toán thuế, làm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, báo cáo tài chính và phải đảm bảo tất cả báo cáo, sổ sách luôn đúng luật, đúng hạn, đúng chuẩn mực kế toán;
  • Vấn đề tuyển dụng, sa thải lao động hoặc giải thể doanh nghiệp cũng phải theo đúng quy định;
  • Doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính phức tạp hơn so với hộ kinh doanh như bảo hiểm, lao động, phòng cháy chữa cháy… và chính những thủ tục này sẽ làm gia tăng chi phí, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc chuyển đổi hình thức kinh doanh từ hộ cá thể lên doanh nghiệp là do người kinh doanh tự lựa chọn. Nếu cần hỗ trợ thêm thông tin hay cần giải đáp thắc mắc nào khác, bạn có thể liên hệ Luật Đăng Quang theo số 0333 749 362 (Miền Bắc),hoặc 0388834498 (Miền Nam) chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Đánh giá post này

Liên hệ với chúng tôi

Hotline: 0333.749.362
Gọi tư vấn
Yêu cầu báo giá dịch vụ