Công ty khi tiếp nhận người lao động vào thực hiện công việc thì bắt buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật lao động. Trong đó hợp đồng lao động là căn cứ pháp lý quan trọng giữa người lao động và người sử dụng lao động nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công ty không ký hợp đồng lao động nhằm trốn tránh những nghĩa vụ khác. Vậy hậu quả pháp lý khi công ty không ký hợp đồng lao động là gì?
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Hợp đồng lao động là gì?
Căn cứ Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về hợp đồng lao động “là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.
Như vậy, trước khi nhận người lao động vào làm việc, công ty phải giao kết hợp đồng với người lao động trong đó ghi nhận sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Công ty có bắt buộc phải ký hợp đồng lao động không?
Căn cứ Điều 14 và Điều 15 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về hình thức hợp đồng lao động, hợp đồng có thể tồn tại dưới một trong ba hình thức sau:
- Hình thức hợp đồng lao động có thể được giao kết bằng văn bản, giao kết bằng phương tiện điện tử (có giá trị pháp lý như nhau).
- Trong trường hợp giao kết hợp đồng bằng lời nói thì chỉ có thời hạn dưới 1 tháng.
- Trừ các trường hợp tại quy định khác như: đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động; khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, đối với người lao động là người giúp việc gia đình thì bắt buộc phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản dù có thời hạn dưới một tháng.
Như vậy, Bộ luật lao động năm 2019 quy định, trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản, riêng công việc tạm thời có thời hạn dưới 1 tháng, hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.
Đối tượng nào có quyền ký hợp đồng lao động?
Căn cứ Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thẩm quyền ký hợp đồng lao động thuộc về người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó:
Người lao động có quyền ký hợp đồng lao động thuộc các đối tượng:
- Người lao động đủ 18 tuổi trở lên.
- Người lao động từ 15 đến 18 tuổi khi có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật bằng văn bản.
- Người dưới 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó.
- Người được những người lao động trong nhóm ủy quyền ký hợp đồng.
Người sử dụng lao động có quyền ký hợp đồng lao động thuộc các trường hợp sau:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hoặc người được doanh nghiệp ủy quyền theo quy định.
- Người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định, hoặc người được ủy quyền.
- Người đại diện cho gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác mà không có tư cách pháp nhân, hoặc người được ủy quyền.
- Cá nhân trực tiếp sử dụng người lao động.
Hậu quả pháp lý khi công ty không ký hợp đồng lao động
Khi công ty không ký hợp đồng lao động sẽ gây ra hậu quả pháp lý cho cả ba bên: người sử dụng lao động, người lao động và Nhà nước.
Đối với công ty – người sử dụng lao động
Căn cứ Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động. Cụ thể như sau:
Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi:
- Giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên. Tức là công ty dù có giao kết hợp đồng lao động với người lao động bằng các hình thức như lời nói hay hành động cũng sẽ vẫn bị xử phạt tiền.
- Giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
- Giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Đồng thời căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trong điều luật này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Cụ thể mức phạt đối với trường hợp công ty không ký hợp đồng lao động như sau:
- Đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động, công ty sẽ phải chịu phạt từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
- Đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động, công ty sẽ phải chịu phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
- Đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động, công ty sẽ phải chịu phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
- Đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động, công ty sẽ phải chịu phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng;
- Đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên, công ty sẽ phải chịu phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả
Căn cứ tại điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động như sau:
- Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động khi có hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.
Như vậy, trường hợp công ty không ký hợp đồng lao động thì công ty có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt tùy thuộc vào số lượng người lao động mà công ty vi phạm. Ngoài việc bị phạt tiền công ty còn phải buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải tiến hành giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với những người làm từ đủ 01 tháng trở lên.
Đối với người lao động
Thông thường trường hợp công ty không ký hợp đồng lao động với người lao động vào làm việc nhằm trốn đóng bảo hiểm xã hội và một số nghĩa vụ khác sẽ dẫn đến bất lợi cho người lao động. Về lâu dài, người lao động sẽ chịu nhiều bất lợi sau:
- Không được hưởng các chính sách từ quỹ bảo hiểm, các khoản trợ cấp của doanh nghiệp cũng như công đoàn. Chưa kể đến những rủi ro không may như gặp tai nạn lao động, ốm đau thì cũng không được hưởng quyền lợi nào.
- Khi người lao động không được công ty ký hợp đồng lao động, người lao động sẽ không được đảm bảo các quyền lợi theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Bởi theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về người lao động là công dân Việt Nam là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Do không có hợp đồng ràng buộc nên công ty có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bất cứ lúc nào mà không cần dựa vào các căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động của người sử dụng lao động được quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019.
- Khi công ty không ký hợp đồng lao động, người lao động sẽ không được hưởng những chế độ, quyền lợi theo quy định của pháp luật như: quyền nghỉ hàng năm, nghỉ lễ tết, quyền hưởng chế độ hưu trí…
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước
- Gây mất cân bằng cung – cầu trong thị trường lao động ;
- Nhà nước gặp khó khăn trong việc thống kê, quản lý số lượng lao động, chất lượng người lao động và người sử dụng lao động trong thị trường.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật lao động, giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động xin vui lòng liên hệ Luật Đăng Quang để được hỗ trợ hiệu quả nhất.