Mức lương cơ sở có ảnh hưởng trực tiếp đến mức lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tiền trợ cấp thai sản một lần của lao động nữ sinh con và lao động nam có vợ sinh con. Bên cạnh đó cũng có một số đối tượng được hưởng lợi là người lao động tự do, thu nhập không căn cứ theo mức lương cơ sở. Vậy trong năm 2024, mức lương cơ sở có thay đổi gì so với mức lương cơ sở hiện hành không? Bài viết dưới đây, Luật Đăng Quang sẽ cung cấp cho quý khách những thông tin cần thiết về mức lương cơ sở năm 2024.
Căn cứ pháp lý
- Nghị quyết 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 do Quốc hội ban hành;
- Bộ luật Lao động 2019;
- Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 35/2022/NĐ-CP.
Mức lương cơ sở là gì?
Mức lương cơ sở, hay mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội (Điều 91 Bộ luật Lao động 2019).
Nguyên tắc điều chỉnh
Nguyên tắc điều chỉnh mức lương tối thiểu là dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Việc đánh giá, xem xét, khuyến nghị được thực hiện bởi Hội đồng tiền lương quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ thành lập bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương và chuyên gia độc lập. Hội đồng tiền lương quốc gia được hoạt động theo nhiệm vụ, chức năng, cơ cấu được quy định tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Vai trò của mức lương tối thiểu
Mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ được quy định theo hai chế định dành cho hai nhóm chủ thể chính: cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm việc theo hợp đồng.
Trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, Chính phủ quy định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì mức lương cơ sở tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP. Theo đó mức lương cơ sở là mức căn cứ để:
- Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
- Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
- Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Đối với nhóm đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng, mức lương tối thiểu là cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng hoặc theo giờ, hoặc theo tuần/ ngày với mức quy đổi tương ứng. Theo đó, mức lương thỏa thuận mà người lao động được nhận theo từng vùng (địa bàn) làm việc không được thấp hơn mức tối thiểu được Chính phủ quy định. Đây là cơ sở để đảm bảo quyền hưởng lương theo mức sống tối thiểu của người lao động theo quy định pháp luật.
Mức lương cơ sở năm 2024
Tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân và người lao động trong doanh nghiệp là tiếp tục điều chỉnh tăng lương cơ sở, không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề để tiến tới rút ngắn khoảng cách giữa lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong doanh nghiệp, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó quy định:
“Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở”.
Như vậy, lộ trình thay đổi lương cơ sở trong 5 năm trở lại đây được thể hiện như sau:
- Từ ngày 01/7/2018: Mức lương cơ sở là 1,39 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP).
- Từ ngày 01/7/2019: Mức lương cơ sở tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP).
- Từ ngày 01/7/2023: Mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP).
Theo đó trong năm 2023, mức lương cơ sở chia thành hai giai đoạn với hai mức áp dụng như sau:
Thời điểm | Mức lương | Căn cứ pháp lý |
Trước 30/6/2023 | 1,49 triệu đồng/tháng | Nghị quyết 70/2018/QH14
Nghị định 38/2019/NĐ-CP |
01/7/2023 trở đi | 1,8 triệu đồng/tháng | Nghị quyết 69/2022/QH15
Nghị định 24/2023/NĐ-CP |
Mức lương tối thiểu vùng
Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng, mức lương cơ sở theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP sẽ không được áp dụng mà thay vào đó, mức lương được tính dựa trên mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, khi thỏa thuận và trả lương với người lao động theo tháng hoại theo giờ, người sử dụng lao động phải đảm bảo mức lương thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tại địa bàn mà người lao động đang làm việc.
Theo quy định của Nghị định 38/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/07/2022) thay thế cho Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng thì mức lương tối thiểu vùng theo tháng được xác định như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu trước 01/07/2022 | Mức lương tối thiểu hiện hành |
I | 4.420.000 đồng/tháng | 4.680.000 đồng/tháng |
II | 3.920.000 đồng/tháng | 4.160.000 đồng/tháng |
III | 3.430.000 đồng/tháng | 3.640.000 đồng/tháng |
IV | 3.070.000 đồng/tháng | 3.250.000 đồng/tháng |
Như vậy, so với quy định trước đây mức tăng được ghi nhận trung bình khoảng 6%. Nghị định mới cũng quy định thêm về mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động để phù hợp với nhu cầu làm việc bán thời gian, theo giờ của người lao động hiện nay. Mức này được quy định như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu giờ |
I | 22.500 đồng/giờ |
II | 20.000 đồng/ giờ |
III | 20.000 đồng/ giờ |
IV | 15.600 đồng/ giờ |
Danh mục địa bàn thuộc các vùng được quy định tại Phụ lục của Nghị định 38/2022/NĐ-CP, theo đố một số quận nội thành của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố của các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương sẽ thuộc Vùng I, các quận/huyện còn lại thuộc vùng II, III, và IV.
Trên đây là bài viết của Luật Đăng Quang về mức lương cơ sở năm 2024. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật lao động xin vui lòng liên hệ Luật Đăng Quang để được hỗ trợ nhanh nhất!