Căn cứ pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009 và năm 2019);
- Nghị định 103/2006/NĐ-CP;
- Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN (sửa đổi bổ sung năm 2010, 2011, 2013 và 2016);
- Thông tư 16/2016/TT-BKHCN.
Khái niệm nhãn hiệu
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Cụ thể nhãn hiệu là dấu hiệu (gồm tổng hợp các yếu tố như chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều được thể hiện bằng màu sắc…) dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân này với tổ chức, cá nhân khác.
Chuyển nhượng nhãn hiệu
Khái niệm về chuyển nhượng nhãn hiệu
Chuyển nhượng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
Hình thức chuyển nhượng nhãn hiệu
Việc chuyển nhượng nhãn hiệu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu). Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu bao gồm: Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; Căn cứ chuyển nhượng; Giá chuyển nhượng; Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
Điều kiện chuyển nhượng
- Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
- Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
Hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu
Hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu chung
Để thực hiện chuyển nhượng nhãn hiệu thì các bên trước hết phải thoả thuận và xác lập hợp đồng chuyển nhượng. Sau đó sẽ tiến hành đăng ký Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
- 02 bản Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, làm theo mẫu 01-HĐCN quy định tại Phụ lục D của Thông tư 01/2007;
- 02 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao hợp lệ); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;
- Bản gốc văn bằng bảo hộ;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;
- Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);
- Chứng từ nộp phí, lệ phí
Hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận
Đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu nêu trên, cần có thêm các tài liệu: Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của Bên nhận chuyển nhượng;
Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;
- Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
- Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;
- Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;
- Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.
Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
- Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu;
- Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;
- Các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;
- Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;
- Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.
Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của bên nhận chuyển nhượng đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong trường hợp này, Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định lại yêu cầu về quyền nộp đơn và quy chế sử dụng nhãn hiệu. Người nộp đơn phải nộp phí thẩm định đơn ngoài các khoản phí, lệ phí đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp theo quy định.
Nộp hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên, Bên chuyển nhượng sẽ nộp 1 bộ hồ sơ này đến Cục Sở hữu trí tuệ bằng hình thức nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện. Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và tiến hành giải quyết hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu theo trình tự, thủ tục thông thường từ 04-06 tháng sẽ hoàn thành.
Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu xin vui long liên hệ Luật Đăng Quang để được hỗ trợ chi tiết!