26/01/2024 - 09:42

Thủ tục cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài

Việc cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài là một nội dung quan trọng mà các doanh nghiệp cần lưu tâm trong lĩnh vực đầu tư quốc tế. Đây được coi là điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện bước mở rộng thị trường ra nước ngoài, chẳng hạn sau khi lập chi nhánh/văn phòng đại diện của doanh nghiệp tại nước ngoài. Quy trình cấp giấy phép này đòi hỏi sự tuân thủ đúng quy định và thực hiện theo các quy trình pháp lý được quy định bởi cả quốc gia đó và quốc gia mở tài khoản. Trong bài viết sau đây, Luật Đăng Quang sẽ trình bày các quy định hiện hành tại Việt Nam liên quan đến cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài.

Cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài

Căn cứ pháp lý

  • Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, sửa đổi bổ sung năm 2022;
  • Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017;
  • Pháp lệnh ngoại hối năm 2005, sửa đổi bổ sung 2013;
  • Nghị định 102/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
  • Nghị định 70/2014/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi;
  • Thông tư 20/2015/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của người cư trú là tổ chức do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Các trường hợp được phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài

Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 70/2014/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định thủ tục cấp và thu hồi Giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của người cư trú là tổ chức trong các trường hợp sau đây:

  • Tổ chức kinh tế có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài hoặc có nhu cầu mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để tiếp nhận vốn vay, thực hiện cam kết, hợp đồng với bên nước ngoài.
  • Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để tiếp nhận viện trợ, tài trợ của nước ngoài hoặc các trường hợp khác được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép.

Theo quy định hướng dẫn tại Điều 2, 3, 4 của Thông tư 20/2015/TT-NHNN, các trường hợp mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài được quy định đối với từng nhóm đối tượng khác nhau thuộc phạm vi điều chỉnh, bao gồm:

  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi là tổ chức tín dụng được phép).
  • Tổ chức kinh tế (không bao gồm tổ chức tín dụng).
  • Tổ chức khác bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam.

Theo đó, Điều 3 của Thông tư có quy định cụ thể về Các trường hợp mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của người cư trú là tổ chức kinh tế như sau:

  • Tổ chức kinh tế mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để đáp ứng các điều kiện xin cấp phép thành lập và hoạt động cho chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật nước sở tại.
  • Tổ chức kinh tế mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài phục vụ cho hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài.
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi là bên đi vay nước ngoài) mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện khoản vay nước ngoài theo thỏa thuận với bên cho vay nước ngoài.
  • Doanh nghiệp thuộc diện đầu tư đặc biệt quan trọng theo chương trình của Chính phủ; doanh nghiệp đầu tư dưới hình thức đối tác công tư (PPP) mở và sử dụng tài khoản ở nước ngoài để thực hiện các cam kết với bên nước ngoài.
  • Tổ chức kinh tế mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng với bên nước ngoài bao gồm hợp đồng thầu xây dựng ở nước ngoài; hợp đồng mua bán tàu với bên nước ngoài; các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng khác với bên nước ngoài, không bao gồm việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện khoản vay nước ngoài theo yêu cầu của bên cho vay nước ngoài.

Như vậy theo quy định, doanh nghiệp xin cấp phép sau khi thành lập chi nhánh/văn phòng đại diện của doanh nghiệp tại nước ngoài là một trong những trường hợp cần xin cấp phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của người cư trú là tổ chức kinh tế. Cũng theo các quy định trên, chủ thể xin cấp phép là các doanh nghiệp, tổ chức, như vậy cá nhân không có quyền yêu cầu Ngân hàng nhà nước cấp phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài.

Thẩm quyền cấp phép

  • Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định cấp và thu hồi Giấy phép.
  • Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cấp Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép đối với trường hợp điều chỉnh các nội dung liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của tổ chức theo quy định

Thủ tục cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài

Bước 1 (Nộp hồ sơ): Các tổ chức khi có nhu cầu mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài lập 01 (một) bộ hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối);

Hình thức nộp: trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính.

Bước 2 (Xem xét đề nghị): Căn cứ vào hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép của tổ chức, Ngân hàng Nhà nước xem xét đề nghị của tổ chức;

Bước 3 (Xử lý hồ sơ): Ngân hàng nhà nước cấp giấy phép trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức bổ sung hồ sơ;

Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước thông báo bằng văn bản gửi tổ chức nêu rõ lý do.

Hồ sơ cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài

Thành phần hồ sơ

Theo quy định hướng dẫn tại Điều 12 (Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép để phục vụ hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài của tổ chức kinh tế) Thông tư 20/2015/TT-NHNN, thành phần hồ sơ cấp phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để phục vụ hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài của tổ chức kinh tế

  • Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01 Thông tư 20/2015/TT-NHNN.
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc các giấy tờ khác tương đương theo quy định của pháp luật.
  • Bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam về việc cho phép hoặc xác nhận đăng ký việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài.
  • Bản sao kèm bản dịch tiếng Việt văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép được thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài.
  • Quyết định về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài do người đại diện hợp pháp của tổ chức ký.
  • Quyết định phê duyệt chi phí hàng năm cho hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài do người đại diện hợp pháp của tổ chức ký.
  • Quy chế tổ chức hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài do người đại diện hợp pháp của tổ chức ký (nếu có).

Quy định về hình thức hồ sơ

  • Ngôn ngữ: tiếng Việt, bản dịch tiếng Việt từ hồ sơ tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật hiện hành đối với văn bản của cơ quan có thẩm quyền của bên nước ngoài cho phép tổ chức được mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài.
  • Các thành phần hồ sơ là bản sao, tổ chức nộp bản sao có xác nhận của tổ chức về tính chính xác của bản sao so với bản chính.

Thời hạn của Giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài

Thời hạn của Giấy phép là thời hạn sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài. Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 20/2015/TT-NHNN, thời hạn này có thể được xác định căn cứ vào các thời hạn sau đây:

  • Thời hạn hiệu lực của văn bản do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép tổ chức được thành lập và hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài. Trong trường hợp văn bản do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép tổ chức được thành lập và hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài không quy định thời hạn hiệu lực, thời hạn của Giấy phép tối đa không quá 03 (ba) năm kể từ ngày cấp Giấy phép; hoặc
  • Thời hạn hiệu lực của hợp đồng vay nước ngoài giữa bên đi vay nước ngoài và bên cho vay nước ngoài; hoặc
  • Thời hạn thực hiện các cam kết, thỏa thuận hoặc thời hạn hiệu lực của hợp đồng với bên nước ngoài; hoặc
  • Thời hạn tiếp nhận viện trợ, tài trợ của nước ngoài; hoặc
  • Thời hạn tại văn bản của cơ quan thẩm quyền của nước sở tại cho phép thành lập và hoạt động tạm thời đối với tổ chức mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để đáp ứng các điều kiện xin cấp phép thành lập và hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nước sở tại. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài không cấp Giấy phép thành lập và hoạt động tạm thời, thời hạn của Giấy phép là 01 (một) năm kể từ ngày cấp Giấy phép.

Trên đây là một số nội dung quy định về việc Giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam sau khi thành lập chi nhánh/văn phòng đại diện của doanh nghiệp tại nước ngoài. Quý khách có nhu cầu xin cấp Giấy phép con doanh nghiệp phục vụ hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài, vui lòng liên hệ Luật Đăng Quang để được hỗ trợ hiệu quả nhất.

Đánh giá post này

Liên hệ với chúng tôi

Hotline: 0333.749.362
Gọi tư vấn
Yêu cầu báo giá dịch vụ