Rượu là sản phẩm được sử dụng phổ biến trong cuộc sống, đồng thời đây cũng là một trong những sản phẩm hàng hóa khi kinh doanh cần phải xin giấy phép. Việc tìm hiểu và nắm bắt các quy định liên quan về kinh doanh rượu luôn là vấn đề được quan tâm. Trong bài viết sau đây, Luật Đăng Quang sẽ tổng hợp những quy định cấp lại giấy phép kinh doanh rượu.
Cơ sở pháp lý
- Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về sản xuất kinh doanh rượu, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP;
- Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính hoạt động sản xuất buôn bán hàng giả.
Quy định về rượu
Theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP thì rượu được xác định như sau:
- Rượu không bao gồm: Bia các loại; nước trái cây lên men các loại có độ cồn dưới 5% theo thể tích.
Các loại giấy phép kinh doanh rượu
Theo các quy định tại Mục 3, Nghị định số 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP thì có các loại giấy phép kinh doanh rượu như sau:
- Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp;
- Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh;
- Giấy phép phân phối rượu;
- Giấy phép bán buôn rượu;
- Giấy phép bán lẻ rượu;
- Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
Điều kiện cần đáp ứng khi kinh doanh rượu để được cấp giấy phép
Điều kiện bán buôn rượu
Căn cứ quy định tại Điều 12 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh bán buôn rượu bao gồm:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Có hệ thống bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính với ít nhất 01 thương nhân bán lẻ rượu. Trường hợp doanh nghiệp có thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính để kinh doanh rượu thì không cần có xác nhận của thương nhân bán lẻ rượu.
- Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu khác.
Kinh doanh bán lẻ rượu
Căn cứ quy định tại Điều 13 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh bán lẻ rượu bao gồm:
- Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng.
- Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.
Điều kiện bán rượu tiêu dùng tại chỗ
Căn cứ quy định tại Điều 14 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh bán lẻ rượu bao gồm:
- Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng và có đăng ký bán rượu tiêu dùng tại chỗ với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở kinh doanh.
- Rượu tiêu dùng tại chỗ phải được cung cấp bởi thương nhân có Giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu.
- Trường hợp thương nhân tự sản xuất rượu để bán tiêu dùng tại chỗ thì phải có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp hoặc Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
Quy định về chế tài khi kinh doanh rượu không có giấy phép
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 25 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ hoặc kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ mà không đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện theo quy định.
Như vậy, cơ sở kinh doanh rượu không đăng ký cấp phép sẽ bị phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, đối với trường hợp tổ chức kinh doanh rượu mà không có giấy phép mức phát sẽ gấp đôi mức phạt với cá nhân theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP.
Có thể thấy việc kinh doanh rượu mà không có giấy phép sẽ làm cho chủ kinh doanh gánh chịu những hậu quả pháp lý và làm ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh. Việc đăng ký giấy phép cho việc kinh doanh rượu được xem là một vấn đề vô cùng quan trọng và thiết yếu trong hoạt động kinh doanh rượu.
Ai là người có thẩm quyền cấp lại giấy phép kinh doanh rượu
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP thì thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh rượu được trao cho:
- Bộ Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô từ 03 triệu lít/năm trở lên và Giấy phép phân phối rượu;
- Sở Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 03 triệu lít/năm và Giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép bán lẻ rượu trên địa bàn;
- Đồng thời, tại điều này cung quy định cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thì có quyền cấp sửa đổi, bổ sung và cấp lại giấy phép đó.
Quy định về việc cấp lại giấy phép kinh doanh rượu
Trường hợp giấy phép được cấp lại do hết hiệu lực
Thời hạn của giấy phép kinh doanh rượu sẽ kéo dài 15 năm đối với Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp và 05 năm đối với Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép phân phối rượu, Giấy phép bán buôn rượu, Giấy phép bán lẻ rượu.
Khi giấy phép kinh doanh của mình hết hiệu lực thì thương nhân hoàn toàn có thể xin cấp lại giấy phép theo quy định Khoản 1 Điều 27 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
Theo đó, thương nhân phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép trước thời hạn hết hiệu lực của giấy phép 30 ngày. Hồ sơ, thẩm quyền, thủ tục cấp lại đối với quy định lại khoản này áp dụng như quy định đối với trường hợp cấp mới.
Trường hợp cấp lại do giấy phép bị mất hoặc bị hỏng
Đối với trường hợp này, thương nhân thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP để xin cấp lại như sau:
- Hồ sơ đề nghị cấp lại (01 bộ) bao gồm: Đơn đề nghị cấp lại theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP và bản gốc hoặc bản sao giấy phép đã cấp (nếu có);
- Cơ quan cấp giấy phép căn cứ vào hồ sơ đã lưu và hồ sơ đề nghị cấp lại của thương nhân để cấp lại giấy phép;
- Thời hạn của giấy phép sẽ được giữ nguyên như cũ.
Bên cạnh đó, tại Khoản 3 của quy định này cũng quy định về thủ tục cấp lại giấy phép do bị mất hoặc bị hỏng:
- Thương nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và cấp lại giấy phép theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp lại giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay tìm hiểu kỹ hơn về việc cấp lại giấy phép kinh doanh rượu nói riêng và cấp lại các loại giấy phép khác nói chung, xin vui lòng liên hệ Luật Đăng Quang để được hỗ trợ tốt nhất.