Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp kể từ ngày 01/07/2015 sẽ không còn bao gồm thông tin về ngành nghề kinh doanh của công ty. Do đó, nếu bạn cần tra cứu ngành nghề kinh doanh thì có thể thực hiện theo hình thức trực tuyến. Bài viết dưới đây của Luật Đăng Quang sẽ giải đáp cụ thể vấn đề này đến bạn.
Ngành nghề kinh doanh là gì?
Ngành nghề kinh doanh là lĩnh vực kinh doanh trong đó doanh nghiệp được phép thực hiện liên tục một hoặc một số, tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
Tra cứu ngành nghề kinh doanh là việc tổng hợp thông tin ngành nghề kinh doanh theo tiêu chí mà người tra cứu đưa ra như: Tra cứu ngành nghề kinh doanh doanh nghiệp đối tác; Tra cứu mã ngành nghề kinh doanh để bổ sung ngành nghề; Tra cứu ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;…
Việc Tra cứu ngành nghề kinh doanh thường được thực hiện trước khi cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức thực hiện các công đoạn của quá trình đầu tư. Việc này giúp nắm rõ hơn về ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp mình, doanh nghiệp khách hàng hoặc doanh nghiệp đối tác. Từ đó giúp quá trình hợp tác đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Điều 3 Quyết định 27/2018/QĐ-TTg quy định ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được tạo thành doanh mục, bao gồm tất cả các ngành, nghề kinh doanh trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và được chia thành 05 cấp bậc khác nhau.
Tại sao cần phải tra cứu ngành nghề kinh doanh?
Tra cứu ngành nghề doanh nghiệp mang lại một số lợi ích sau đây cho người tra cứu:
- Nắm rõ hơn tình hình kinh doanh, thế mạnh và hạn chế của doanh nghiệp về các ngành nghề khác.
- Giúp nắm rõ tên ngành nghề, mã số ngành nghề để từ đó thực hiện bổ sung hoặc thay đổi ngành nghề.
- Tra cứu ngành nghề kinh doanh, đặc biệt các ngành nghề có điều kiện giúp bạn nắm rõ hơn điều kiện và quy định của pháp luật về ngành nghề đó. Từ đó giúp đăng ký và thực hiện hoạt động kinh doanh được chính xác hơn.
Cách tra cứu ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp
Tra ngành nghề kinh doanh của công ty hiện nay bạn có thể thực hiện theo 03 cách khác nhau. Mỗi cách thức đều có những lợi thế riêng. Dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn đến bạn từng cách tra cứu ngành nghề kinh doanh chi tiết nhất.
Cách tra cứu ngành nghề kinh doanh theo mã số thuế
- Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn/
- Bước 2: Nhập mã số thuế của doanh nghiệp vào ô thông tin mà bạn muốn tra cứu.
- Bước 3: Chọn vào tên của doanh nghiệp cần tra cứu.
- Bước 4: Tiến hành tra cứu thông tin. Màn hình kết quả sẽ hiển thị những thông tin bao gồm: Tên doanh nghiệp (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài); Tên viết tắt của doanh nghiệp; Tình trạng hoạt động của doanh nghiệp; Loại hình doanh nghiệp; Tên người đại diện; Ngành nghề kinh doanh.
Cách tra cứu ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp trước khi thành lập
- Bước 1: Truy cập vào website chính thức của Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại https://dangkykinhdoanh.gov.vn/
- Bước 2: Chọn mục “Hỗ trợ”.
- Bước 3: Chọn mục “Tra cứu ngành nghề kinh doanh”. Ở bước này, danh sách các ngành nghề kinh doanh sẽ xuất hiện dưới dạng bảng cùng mã ngành nghề kinh doanh. Bạn chỉ cần tra cứu theo từ khoá hoặc mã ngành để biết chính xác tên gọi của ngành nghề kinh doanh mình muốn lựa chọn là được.
Cách tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện
- Bước 1: Truy cập vào địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Nganhnghedautukinhdoanh.aspx
- Bước 2: Lựa chọn nhóm ngành nghề kinh doanh mà bạn đang muốn tra cứu và nhấn vào đó.
- Bước 3: Hệ thống sẽ trả về kết quả là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong nhóm ngành này. Bạn chỉ cần chọn vào ngành nghề cụ thể muốn tìm hiểu là hoàn thành.
Bài viết đã cung cấp đầy đủ thông tin về các cách tra cứu ngành nghề kinh doanh của công ty. Hy vọng những thông tin chúng tôi mang đến sẽ hữu ích với bạn và từ đó có thể giúp doanh nghiệp sẵn sàng trong mọi hoạt động kinh doanh, mọi giao dịch quan trọng của mình trong tương lai.