Trên thực tế, các doanh nghiệp thường phải nộp một số tiền rất lớn đối với khoản tiền thuế truy thu và tiền phạt sau mỗi đợt thanh kiểm tra thuế. Điều này do doanh nghiệp chưa nắm bắt rõ các quy định về thuế hiện hành dẫn tới kê khai thuế chưa đúng quy định. Trong bài viết này, Luật Đăng Quang sẽ cung cấp cho quý khách những thông tin cần thiết về vấn đề thanh kiểm tra thuế doanh nghiệp và dịch vụ hỗ trợ thanh kiểm tra thuế.
Cơ sở pháp lý
- Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14;
- Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 91/2022/NĐ-CP;
- Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP;
- Quyết định 970/QĐ-TCT năm 2023 về quy trình kiểm tra thuế;
- Quyết định 1404/QĐ-TCT 2015 về quy trình thanh tra thuế; sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 2605/QĐ-TCT năm 2016.
Khái niệm thanh tra, kiểm tra thuế
Thanh tra thuế là gì?
Thanh tra thuế là hoạt động được diễn ra theo định kỳ đối với những tổ chức, doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động kinh doanh đa dạng, hoặc người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật.
Kiểm tra thuế là gì?
Kiểm tra thuế là hoạt động thường xuyên, mang tính nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế, được thực hiện ngay tại trụ sở cơ quan quản lý thuế dựa trên những hồ sơ khai thuế của đối tượng cần nộp thuế. Việc kiểm tra thuế nhằm đánh giá tính xác thực của những thông tin trong hồ sơ khai thuế, yêu cầu bổ sung những thông tin còn thiếu hoặc sai sót, từ đó đánh giá được mức độ tuân thủ thuế của người nộp thuế.
Dịch vụ hỗ trợ thanh kiểm tra thuế là gì?
Dịch vụ hỗ trợ thanh kiểm tra thuế là dịch vụ nhằm giúp các doanh nghiệp biết được rủi ro về thuế của mình và có biện pháp phòng tránh, tăng tính tuân thủ trước khi cơ quan thuế tiến hành thanh kiểm tra thuế tại doanh nghiệp.
Đối tượng thanh tra, kiểm tra thuế
Kiểm tra thuế được tiến hành với bất kỳ người nộp thuế nào, trong đó, kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế thực hiện thường xuyên đối với các hồ sơ thuế. Kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thực hiện với các trường hợp của các đối tượng sau đây:
Đối tượng kiểm tra thuế
Theo khoản 1 Điều 110 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các trường hợp sau thuộc đối tượng kiểm tra thuế:
- Người nộp thuế không giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế hoặc giải trình, khai bổ sung không đúng, không chứng minh được số thuế phải nộp, số thuế miễn, giảm, hoàn đúng;
- Các trường hợp kiểm tra sau thông quan: kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra chọn mẫu, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu;
- Kiểm tra đối với các đối tượng kiểm tra theo tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế.
Đối tượng thanh tra thuế
Theo Điều 113 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các trường hợp thanh tra thuế bao gồm:
- Có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế;
- Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng;
- Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế;
- Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.
Chủ thể thanh, kiểm tra thuế
Chủ thể thanh, kiểm tra thuế là cơ quản quản lý thuế:
- Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực;
- Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan.
Mục đích của việc thanh kiểm tra thuế
Đối với thanh tra thuế
Theo Quy trình thanh tra thuế ban hành kèm theo Quyết định số 1404/QĐ-TCT ngày 28 tháng 7 năm 2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, mục đích của việc thanh tra thuế là:
- Chuẩn hóa các nội dung công việc trong hoạt động thanh tra thuế;
- Đảm bảo hoạt động thanh tra thuế được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, thống nhất từ Tổng cục Thuế đến Cục Thuế, đáp ứng yêu cầu cải cách và hiện đại hóa ngành thuế;
- Nâng cao năng lực hoạt động thanh tra thuế, đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch trong công tác thanh tra thuế.
- Truy thu nguồn thuế cho ngân sách nhà nước.
Đối với kiểm tra thuế
Theo Quy trình kiểm tra thuế ban hành kèm theo Quyết định số 970/QĐ-TCT ngày 14/7/2023 của Tổng cục Thuế, mục đích của việc kiểm tra thuế là:
- Tăng cường công tác kiểm tra thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế trên cơ sở áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra thuế nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm về thuế, chống thất thu thuế;
- Nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế trong việc thực hiện quy định pháp luật về thuế;
- Thực hiện cải cách hành chính trong việc kiểm tra thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Quy trình kiểm tra, thanh tra thuế
Quy trình chuẩn bị trước thanh, kiểm tra thuế
Cơ quan thuế rà soát, xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra thuế; soạn thảo và ban hành Quyết định thanh tra, kiểm tra thuế. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ký, cơ quan thuế gửi Quyết định thanh kiểm tra thuế cho người nộp thuế.
Kế toán doanh nghiệp sắp xếp, kiểm tra lại các báo cáo, sổ sách, chứng từ trước khi cơ quan thuế tới công bố quyết định và làm việc, bao gồm:
- Kiểm tra hồ sơ pháp lý;
- Sắp xếp chứng từ gốc;
- Kiểm tra lại việc hạch toán nghiệp vụ kế toán trên phần mềm;
- Sắp xếp báo cáo đã nộp cho cơ quan thuế;
- Sổ sách kế toán, báo cáo tài chính;
- Sắp xếp các hợp đồng mua bán;
- Sổ phụ ngân hàng, ủy nhiệm chi;
- Các kiểm tra khác.
Quy trình thanh, kiểm tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp
Bước 1: Doanh nghiệp đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra thuế; nhận quyết định thanh kiểm tra thuế tại trụ sở;
Bước 2: Làm việc và giải trình với đoàn thanh kiểm tra thuế;
Bước 3: Kết thúc đợt thanh kiểm tra. Đoàn thanh kiểm tra có biên bản ghi nhận số liệu;
Bước 4: Doanh nghiệp giải trình sau khi có biên bản ghi nhận số liệu;
Bước 5: Hai bên thống nhất lại biên bản cuối cùng;
Bước 6: Nhận Quyết định kết quả thanh kiểm tra thuế;
Bước 7: Nộp phạt theo quy định (nếu có).
Những vi phạm thường gặp trong lĩnh vực thuế của doanh nghiệp
Các vi phạm thường gặp tập trung phổ biến ở hai nhóm lĩnh vực sau:
- Vi phạm về nghiệp vụ kế toán thuế: chi phí không đủ điều kiện làm chi phí được trừ, hạch toán không đúng bản chất nghiệp vụ phát sinh, sản xuất không có định mức, bán hàng không có đầu vào, bán hàng không đúng giá, không có nguyên vật liệu phù hợp trong sản xuất, không đóng bảo hiểm cho lương nhân viên, không trích nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định,…
- Vi phạm hành chính quản lý thuế: kê khai sai, thiếu hóa đơn, xuất hóa đơn sai thời điểm, xuất hóa đơn thiếu nội dung, xuất hóa đơn khống,…
Ngoài ra, phân theo các loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp, những sai sót thường liên quan tới:
Sai sót về thuế giá trị gia tăng đầu vào
Sai sót phổ biến là thực hiện kê khai hoá đơn giá trị gia tăng không đúng quy định tại Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC (nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào); trong đó điển hình có một số sai sót như sau:
- Kê khai khấu trừ hóa đơn trên 20 triệu đồng nhưng chưa thanh toán qua ngân hàng;
- Kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng hóa đơn của các khoản chi phí không phục vụ sản xuất kinh doanh, không liên quan đến doanh thu;
- Không phân bổ hoặc phân bổ không đúng tỷ lệ thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ mua vào dùng chung cho hoạt động chịu thuế và không chịu thuế giá trị gia tăng.
Sai sót về thuế giá trị gia tăng bán ra
- Sai thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng;
- Không phân biệt rõ các mặt hàng để áp dụng đúng loại thuế suất.
Sai sót về thuế thu nhập doanh nghiệp
- Sai sót về doanh thu, thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Sai sót về chi phí;
- Sai sót khi xác định miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến thanh kiểm tra thuế
Những nội dung doanh nghiệp cần giải trình với đoàn thanh kiểm tra thuế là gì?
- Về hóa đơn, doanh nghiệp cần giải trình tính hợp lý, hợp pháp, hợp lệ của hóa đơn; điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt của hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào; thời điểm xuất hóa đơn.
- Các khoản chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần kiểm tra những báo cáo nào trước khi cơ quan thuế thanh kiểm tra thuế?
- Kiểm tra báo cáo thuế: Báo cáo thuế giá trị gia tăng; Báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp; Báo cáo thuế giá trị gia tăng nhập khẩu (nếu có).
- Kiểm tra sổ sách kế toán.
Các kỹ thuật thanh kiểm tra thường gặp của cơ quan thuế là gì?
- So sánh đối chiếu doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Kỹ thuật phân tích tìm bằng chứng kê khai thiếu doanh thu;
- Kiểm tra hóa đơn đầu vào;
- Kiểm tra việc tính phân bổ thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ.
Dịch vụ hỗ trợ thanh kiểm tra thuế tại Luật Đăng Quang
Nhằm giúp các doanh nghiệp biết được rủi ro về thuế của mình và có biện pháp phòng tránh, tăng tính tuân thủ trước khi cơ quan thuế tiến hành thanh kiểm tra thuế tại doanh nghiệp, chúng tôi xây dựng gói dịch vụ hỗ trợ thanh kiểm tra thuế, bao gồm:
- Rà soát, kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ kế toán tại doanh nghiệp;
- Đánh giá rủi ro, liệt kê các khả năng có thể bị truy thu và xử phạt vi phạm hành chính về thuế;
- Tư vấn các giải pháp cho doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro;
- Ước tính số tiền thuế, tiền phạt có thể phát sinh;
- Đại diện doanh nghiệp làm việc với đoàn thanh kiểm tra thuế;
- Đại điện doanh nghiệp giải trình các số liệu kế toán liên quan.
Quý khách hàng có nhu cầu liên quan đến pháp luật tài chính, doanh nghiệp, dịch vụ kê khai thuế, dịch vụ kế toán thuế xin vui lòng liên hệ Luật Đăng Quang để được hỗ trợ tốt nhất.