Phân phối rượu là một hoạt động kinh doanh không còn mới lạ hiện nay nhờ nhu cầu tiêu dùng “rượu ngoại” ngày càng tăng cao. Song việc phát triển kinh doanh các sản phẩm về rượu luôn cần phải gắn liền với quy định của pháp luật do tính chất của loại sản phẩm này. Một trong những vấn đề tiên quyết được các thương nhân quan tâm là quy định về hồ sơ cấp giấy phép phân phối rượu. Trong bài viết sau đây, Luật Đăng Quang sẽ tổng hợp những quy định về hồ sơ cấp giấy phép phân phối rượu.
Cơ sở pháp lý
- Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về sản xuất kinh doanh rượu được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP;
- Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính hoạt động sản xuất buôn bán hàng giả.
Giấy phép phân phối rượu là gì?
Giấy phép phân phối rượu là chứng nhận được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động nhập khẩu rượu, mua rượu từ thương nhân sản xuất rượu trong nước và thương nhân phân phối rượu khác theo nội dung ghi trên giấy phép. Khi được cấp chứng nhận này, doanh nghiệp được phép bán rượu cho các thương nhân phân phối rượu, thương nhân bán buôn rượu, thương nhân bán lẻ rượu và thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
Giấy phép phân phối rượu là giấy phép mà thương nhân nhập khẩu rượu từ nước ngoài về Việt Nam.
Hồ sơ cấp giấy phép phân phối rượu
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 105/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP), hồ sơ để đề nghị cấp Giấy phép phân phối rượu bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép phân phối rượu theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.
- Tài liệu về hệ thống phân phối rượu gồm một trong hai loại sau: Bản sao hợp đồng nguyên tắc, thư xác nhận hoặc bản cam kết tham gia hệ thống phân phối rượu kèm bản sao Giấy phép bán buôn rượu của thương nhân dự kiến tham gia hệ thống phân phối rượu; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh của doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp để kinh doanh rượu.
- Tài liệu liên quan đến nhà cung cấp rượu: Bản sao các văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài, trong đó ghi rõ các loại rượu dự kiến kinh doanh phù hợp với hoạt động của các nhà cung cấp rượu; Trường hợp nhà cung cấp rượu là thương nhân trong nước cần có bản sao Giấy phép sản xuất rượu hoặc Giấy phép phân phối rượu.
Trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép phân phối rượu
Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép phân phối rượu được quy định cụ thể tại Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 18, 19 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP) như sau:
- Thương nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;
- Đối với cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, Giấy phép phân phối rượu và Giấy phép bán buôn rượu:
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 03 ngày, làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.
Quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối rượu
Thương nhân phân phối rượu có những quyền hạn và nghĩa vụ được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 10, 11, 12, 13 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP theo đó thương nhân phân phối rượu có những quyền hạn và nghĩa vụ sau:
- Nhập khẩu rượu, mua rượu từ thương nhân sản xuất rượu trong nước và thương nhân phân phối rượu khác theo nội dung ghi trong giấy phép;
- Bán rượu cho các thương nhân phân phối rượu, thương nhân bán buôn rượu, thương nhân bán lẻ rượu, thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ trên phạm vi địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cấp phép;
- Bán rượu cho thương nhân mua rượu để xuất khẩu;
- Trực tiếp bán lẻ rượu tại các địa điểm kinh doanh của thương nhân trên phạm vi địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cấp phép.
- Mua, bán rượu có nguồn gốc hợp pháp;
- Niêm yết bản sao hợp lệ giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền cấp tại các địa điểm bán rượu của thương nhân và chỉ được mua, bán rượu theo nội dung ghi trong giấy phép đã được cấp, trừ trường hợp đối với thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ;
- Thực hiện chế độ báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định tại Nghị định này.
Một số câu hỏi liên quan đến cấp giấy phép phân phối rượu
Ai là người có thẩm quyền cấp giấy phép phân phối rượu?
Căn cứ theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP thì thẩm quyền cấp giấy phép phân phối rượu là Bộ Công thương.
Giấy phép phân phối rượu có thời hạn bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 105/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP) theo đó: Giấy phép phân phối rượu có thời hạn là 05 năm.
Để được phân phối rượu tại Việt Nam doanh nghiệp cần có hệ thống phân phối thế nào?
Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 105/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP) có quy định về điều kiện để doanh nghiệp phân phối rượu tại Việt Nam như sau:
- Doanh nghiệp cần có hệ thống phân phối rượu trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên (đã bao gồm địa bàn doanh nghiệp đặt trụ sở chính).
- Tại mỗi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có ít nhất 01 thương nhân bán buôn rượu. Trường hợp doanh nghiệp có thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính để kinh doanh rượu thì không cần có xác nhận của thương nhân bán buôn rượu.
- Đồng thời doanh nghiệp muốn được phân phối rượu còn cần đáp ứng thêm điều kiện khác là phải có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài.
Doanh nghiệp nhập khẩu rượu mà không xin giấy phép phân phối rượu theo quy định sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo khoản 3 điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh và căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về mức tiền phạt như sau:
- Kinh doanh rượu thì cần xin giấy phép kinh doanh, tương tự để nhập khẩu rượu thì doanh nghiệp cũng cần phải xin giấy phép phân phối rượu.
- Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định, không xin giấy phép phân phối rượu thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 – 15 đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được. Đối với tổ chức vi phạm thì gấp đôi mức phạt đối với cá nhân, cụ thể là sẽ từ 20 – 30 triệu đồng.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay tìm hiểu kỹ hơn về hồ sơ cấp giấy phép phân phối rượu nói riêng và tìm hiểu thêm về các loại hồ sơ xin cấp các loại giấy phép khác nói chung, xin vui lòng liên hệ Luật Đăng Quang để được hỗ trợ tốt nhất.