Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia. Vai trò của vốn đầu tư nước ngoài đối với phát triển kinh tế xã hội nước ta đã được thực tiễn minh chứng.
Như vậy, điều kiện để thành lập công ty có vốn nước ngoài hoạt động sản xuất bao gồm những gì? Sau đây, Luật Đăng Quang sẽ đưa ra các thông tin về vấn đề trên:
Cơ sở pháp lý
- Biểu Cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong WTO;
- Luật Đầu tư năm 2020;
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
- Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Điều kiện thành lập công ty có vốn nước ngoài hoạt động sản xuất
Điều kiện về chủ thể và quốc tịch của nhà đầu tư nước ngoài
Là cá nhân trên 18 tuổi, tổ chức, doanh nghiệp mang quốc tịch là thành viên của WTO hoặc có ký điều ước song phương liên quan đến đầu tư với Việt Nam. Tuy nhiên, tại Việt Nam một số ngành nghề chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài là pháp nhân mới có thể đầu tư tại Việt Nam.
Cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO
Dịch vụ liên quan đến sản xuất (CPC 884 và 885): Sau 3 năm kể từ ngày gia nhập, chỉ cho phép thành lập liên doanh, trong đó, tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 50%. 5 năm sau đó, cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Như vậy hiện nay, Việt Nam đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp kinh doanh sản xuất 100% vốn nước ngoài, không hạn chế về mặt tiếp cận thị trường.
Điều kiện về ngành, nghề kinh doanh
Theo quy định của Luật Đầu tư 2020, các ngành, nghề sản xuất kinh doanh chưa được tiếp cận và được tiếp cận thị trường có điều kiện thị trường về hoạt động sản xuất đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
Chưa được tiếp cận | Tiếp cận có điều kiện |
Sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;
Sản xuất vàng miếng; Sản xuất pháo hoa; Sản xuất, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Sản xuất vật liệu hoặc thiết bị quân sự. |
Sản xuất các sản phẩm văn hóa, bao gồm các bản ghi hình;
Sản xuất các chương trình ti vi và các tác phẩm ca múa nhạc, sân khấu, điện ảnh; Sản xuất giấy; Sản xuất phương tiện vận tải trên 29 chỗ; Sản xuất, chế tạo máy bay; Sản xuất, chế tạo đầu máy và toa xe đường sắt; Sản xuất sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc, thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá; Sản xuất các loại cây trồng quý hiếm, chăn nuôi gây giống động vật hoang dã quý hiếm; Sản xuất vật liệu xây dựng. |
Điều kiện về địa điểm thực hiện dự án sản xuất
- Địa điểm sản xuất phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch môi trường của tỉnh thành phố. Các nhà đầu tư nói chung đều không được hoạt động sản xuất tại khu dân cư tập trung, khu vực nội thành mà chỉ được đặt tại các khu vùng nắng thuận, cách xa khu dân cư, khu vực dân quy hoạch sản xuất như khu công nghiệp. Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố đều có nhiều khu công nghiệp được quyền hoạt động sản xuất, nhà đầu tư có thể liên hệ các khu công nghiệp tại các tỉnh/thành phố nơi nhà đầu tư dự kiến đặt địa điểm hoạt động sản xuất để khảo sát, đánh giá. Nhiều tỉnh chỉ chấp nhận cấp dự án sản xuất cho nhà đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp như Hà Nội là một điển hình.
- Trong trường hợp, nhà đầu tư mong muốn đặt nhà máy sản xuất các địa điểm bên ngoài của công nghiệp, nhưng xa khu dân cư thì khi xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cơ quan cấp phép sẽ hỏi ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố để kiểm tra về vấn đề quy hoạch và phê duyệt dự án.
- Bên cạnh đó, đối với các dự án lớn sử dụng diện tích đất lớn từ 50ha trở lên có thể phải xin chấp thuận của Chính phủ và Quốc Hội trước khi được cấp phép. Điều này cũng cho thấy rằng, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ quy định pháp luật và các thủ tục bắt buộc khi quyết định đầu tư vào Việt Nam để có kế hoạch đầu tư phù hợp.
Thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Đối với nhà đầu tư là cá nhân
Đối với nhà đầu tư là cá nhân thực hiện đầu tư tại Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện và chuẩn bị các hồ sơ như sau:
- Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của nhà đầu tư (Trường hợp hộ chiếu của nhà đầu tư ở nước ngoài gửi về Việt Nam phải được công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước nước ngoài);
- Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư tương ứng với số vốn dự kiến đầu tư tại Việt Nam (Nếu là Ngân hàng nước ngoài xác nhận cần cung cấp bản sao công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài);
- Hợp đồng thuê trụ sở công ty và địa điểm thực hiện dự án, Giấy tờ chứng minh quyền cho thuê của bên cho thuê (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chức năng kinh doanh bất động sản của bên cho thuê hoặc các giấy tờ tương đương).
Đối với nhà đầu tư là tổ chức
Đối với nhà đầu tư là tổ chức thực hiện đầu tư tại Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện và chuẩn bị các hồ sơ như sau:
- Bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư (Bản sao phải được công công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài);
- Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư tương ứng với vốn dự kiến đầu tư tại Việt Nam. (Bản sao công công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài);
- Hộ chiếu công chứng của người đại diện theo pháp luật của công ty tại nước ngoài (Bản sao phải được công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài);
- Hộ chiếu công chứng của người đại diện theo pháp luật công ty tại Việt Nam (Nếu người đại diện đang ở nước ngoài thì Bản sao hộ chiếu phải được công công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài);
- Hợp đồng thuê trụ sở, Giấy tờ chứng minh quyền cho thuê của bên cho thuê (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chức năng kinh doanh bất động sản của bên cho thuê hoặc các giấy tờ tương đương).
- Nếu dự án có sử dụng công nghệ cần kèm theo bản giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án quy định gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính.
Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như sau:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
- Bản sao chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
- Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
- Bản sao một trong các tài liệu sau: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
- Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án đầu tư đối với dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính.
Nơi nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư
Nơi tiếp nhận, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư được quy định theo từng loại dự án đầu tư như sau:
Sở Kế hoạch và Đầu tư | Dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại những địa phương chưa thành lập Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao. |
Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế | Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. |
Cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành | Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Dự án đầu tư thực hiện đồng thời ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế. Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế |
Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Bước 3: Nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài kể cả đặt dự án trong khu công nghiệp hoặc dự án ngoài khu công nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính.
Hồ sơ thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài:
Theo quy định Luật doanh nghiệp 2020, Chương IV Nghị định số 01/2021 về trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho các loại hình kinh doanh. Tương tự như công ty có vốn Việt Nam, công ty có vốn đầu tư nước ngoài tùy thuộc vào loại hình công ty khách hàng mong muốn thành lập: công ty TNHH, công ty cổ phần, hoặc loại hình doanh nghiệp khác, Luật Đăng Quang sẽ soạn thảo hồ sơ tương ứng, thông thường hồ sơ thành lập công ty gồm các tài liệu sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Dự thảo điều lệ doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên hoặc danh sách cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân:
- Đối với cá nhân: Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực;
- Đối với tổ chức: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức.
- Quyết định góp vốn, Văn bản cử đại diện theo ủy quyền đối với thành viên công ty, cổ đông công ty là tổ chức;
- Tài liệu khác trong các trường hợp đặc biệt (Luật Đăng Quang sẽ tư vấn để Quý khách hàng chuẩn bị theo quy định của pháp luật);
- Hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý (Hợp đồng ủy quyền) để ủy quyền cho Luật Đăng Quang thực hiện dịch vụ thành lập doanh nghiệp.
Nộp hồ sơ thành lập công ty và nộp lệ phí công bố thông tin doanh nghiệp
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Luật Đăng Quang tiến hành nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp qua Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Khác với trước đây, thủ tục nộp lệ phí công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp sẽ được thực hiện song song với thủ tục nộp hồ sơ thành lập công ty. Do đó, ngay khi công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cũng đồng thời được công bố thông tin doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
Trong thời hạn 03 – 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Khắc con dấu (mộc tròn) công ty
Ngay khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế công ty, công ty sẽ tiến hành khắc dấu tròn pháp nhân.
Tương tự như công ty có vốn Việt Nam, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tự khắc con dấu, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng con dấu pháp nhân của công ty.
Thời gian thực hiện: 01 ngày.
Bước 5: Mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ tại 01 (một) ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp bằng ngoại tệ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Bước 6: Thực hiện góp vốn theo tiến độ cam kết góp vốn tại Giấy chứng nhận đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong công ty có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam theo mức vốn góp của nhà đầu tư tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tài khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việc góp vốn đầu tư bằng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam tại công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải được thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là tài khoản sau này khi công ty hoạt động kinh doanh có lãi thông qua đây để nhà đầu tư chuyển lợi nhuận trả cho nhà đầu tư tại nước ngoài.
Tiến độ thực hiện góp vốn được cam kết trong đăng ký doanh nghiệp, tuy nhiên không quá 90 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 7: Xin cấp Giấy phép kinh doanh, giấy phép con đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện ngoài việc ngay khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư phải chứng minh nộp kèm các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì sau khi hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty có vốn đầu tư nước ngoài cần thực hiện xin giấy phép đủ điều kiện hoạt động.
Bước 8: Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong quá trình hoạt động công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng đầu năm, hàng năm về tình hình thực hiện dự án đầu tư. Hiện nay việc nộp báo cáo của công ty có vốn đầu tư nước ngoài cho Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông qua trang thông tin điện tử quốc gia: https://fdi.gov.vn.
Quý khách hàng có nhu cầu thành lập công ty có vốn nước ngoài hoạt động sản xuất xin vui lòng liên hệ Luật Đăng Quang để được hỗ trợ tốt nhất!