Kinh doanh rượu nói chung và bán lẻ rượu nói riêng là một hoạt động kinh doanh có điều kiện. Theo quy định của pháp luật, chủ thể khi lựa chọn kinh doanh loại mặt hàng này cần tuân thủ điều kiện nhất định để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho người dân. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, được pha chế từ cồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, các cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm tra gắt gao hơn thị trường sản phẩm này. Các chủ thể kinh doanh cần lưu ý đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Theo quy định của Nghị định 94/2012/NĐ-CP (có hiệu lực đến hết ngày 31/10/2017) thì việc bán lẻ rượu phải được cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm rượu và cần đáp ứng những điều kiện sau:
- Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ đồ uống có cồn hoặc kinh doanh rượu;
- Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định;
- Trực thuộc hệ thống phân phối của thương nhân bán buôn sản phẩm rượu; có hợp đồng và văn bản giới thiệu của thương nhân bán buôn sản phẩm rượu;
- Có kho hàng (hoặc hệ thống kho hàng) thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê kho hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu bảo quản được chất lượng của sản phẩm rượu trong thời gian lưu kho;
- Có bản cam kết của thương nhân về bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
- Phù hợp với quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu do Sở Công Thương tỉnh công bố;
- Phù hợp với quy định tại Điều 18 Nghị định này.
Tuy nhiên, từ ngày 1/11/2017 thì điều kiện kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu có sự thay đổi theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP. Cụ thể:
- Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng;
- Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu;
- Rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định;
- Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định.
Nhìn chung, các điều kiện kinh doanh bán lẻ rượu mới được quy định cụ thể, rõ ràng, loại bỏ những điều kiện không phù hợp trên thực tế và chú trọng vào đảm bảo chất lượng sản phẩm (điều kiện về an toàn thực phẩm). Theo đó, chủ thể được phép kinh doanh bán lẻ rượu được liệt kê rõ ràng hơn chứ không nêu chung chung là thương nhân. Ngoài ra, về địa điểm kinh doanh, theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP thì chủ thể kinh doanh chỉ cần có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm đó tức là có thể thuê, mượn hoặc sở hữu. Việc này tạo điều kiện tối đa cho các chủ thể khi tiến hành hoạt động kinh doanh rượu, nhằm lựa chọn được vị trí thuận lợi cho công việc.
Ngoài ra, theo quy định mới thì việc kinh doanh bán lẻ rượu không bắt buộc phải trực thuộc hệ thống phân phối của thương nhân bán buôn sản phẩm rượu mà chỉ cần có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc. Đặc biệt, chủ thể bán lẻ rượu có thể hợp tác trực tiếp với thương nhân phân phối rượu mà không phải thông qua thương nhân bán buôn sản phẩm rượu như trong Nghị định 94/2012/NĐ-CP. Quy định này nhằm đảm bảo quyền và mở rộng cơ hội kinh doanh cho thương nhân bán lẻ rượu. Đặc biệt, điều kiện về kho hàng không còn được đề cập trong Nghị định 105/2017/NĐ-CP. Việc này được đặt ra hoàn toàn phù hợp với thực tế khi mà hiện nay có nhiều phương thức để lưu trữ hàng hóa thay vì phải sở hữu hoặc thuê kho hàng.
Như vậy, những điều kiện kinh doanh có hiệu lực từ 1/11/2017 đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các thương nhân, giảm bớt các thủ tục, tạo điều kiện tối đa để các chủ thể gia nhập thị trường và thu được lợi nhuận.