26/12/2023 - 09:09

Thời hạn phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu

Hiện nay, đăng ký nhãn hiệu không còn là hoạt động xa lạ trong cuộc sống. Thị trường ngày càng rộng mở và phát triển, rất nhiều những sản phẩm, thương hiệu được ra mắt và việc đăng ký nhãn hiệu là cách để tạo nên khả năng phân biệt cho những sản phẩm, dịch vụ mà bản thân chủ sở hữu cung cấp. Tuy nhiên, có rất nhiều chủ sở hữu không thực sự quan tâm đến vấn đề đăng ký nhãn hiệu này, dẫn tới việc bên thứ ba nộp đơn đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu đó trước khi chủ sở hữu nộp đơn đăng ký. Trong bài viết sau đây, Luật Đăng Quang sẽ tổng hợp những quy định về thời hạn phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu.

Thời hạn phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu

Cơ sở pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022;
  • Thông tư 23/2023/TT-BKHCN hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn thi hành về quyền sở hữu công nghiệp.

Đơn đăng ký nhãn hiệu là gì?

Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về khái niệm nhãn hiệu. Theo đó, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Đơn đăng ký nhãn hiệu là hồ sơ bắt buộc mà chủ sở hữu cần nộp tới cơ quan có thẩm quyền, cụ thể tại Việt Nam là Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, để cơ quan này xem xét và thẩm định nhãn hiệu của chủ sở hữu có đáp ứng các điều kiện để được chấp thuận bảo hộ hay không. Theo đó, tất cả các bên nếu muốn được ghi nhận quyền sở hữu nhãn hiệu thì cần nộp đơn đăng ký độc quyền nhãn hiệu kèm theo nhãn hiệu muốn độc quyền và danh mục các nhóm hàng hóa, dịch vụ muốn được bảo hộ.

Phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu là gì?

Tại khoản 39 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.

Đối với các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ trước đó, không đề cập đến khái niệm phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu một cách cụ thể hoặc phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung. Thay vào đó, Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 chỉ quy định quyền thứ ba để đưa ra ý kiến về việc cấp văn bằng bảo hộ. Cụ thể, quyền ý kiến của bên thứ ba không ràng buộc Cục Sở hữu trí tuệ phải lấy đó làm căn cứ để quyết định cấp hay không cấp văn bằng bảo hộ, mà chỉ coi là ý kiến tham khảo cho việc thẩm định đơn.

Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi vào năm 2022 đã đặt ra một cơ chế cụ thể hơn liên quan đến quyền phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đặc biệt là đối với đơn đăng ký nhãn hiệu. Theo quy định mới này, trước khi quyết định cấp văn bằng bảo hộ được đưa ra, bất kỳ cá nhân thứ ba nào đều có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ trong khoảng thời gian năm tháng tính từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố. Việc sửa đổi này mang tính chất cụ thể hơn về quyền phản đối và mở ra cơ hội cho các bên thứ ba để tham gia vào quy trình phản đối đối với việc cấp văn bằng bảo hộ, và mang tính ràng buộc Cục Sở hữu trí tuệ phải tiếp nhận và xử lý phản đối theo thủ tục luật định để làm căn cứ quyết định cấp bằng. Điều này tạo điều kiện cho sự minh bạch và công bằng hơn trong quá trình xem xét và xác định quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam.

Như vậy, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền này với điều kiện đơn đăng ký nhãn hiệu đó đã được đăng trên công báo sở hữu công nghiệp. Do vậy khi đăng ký nhãn hiệu có thể bị phản đối bởi một hay nhiều bên thứ ba.

Phân biệt phản đối và ý kiến người thứ ba trong đăng ký nhãn hiệu

Tiêu chí Ý kiến của người thứ ba Phản đối đơn đăng ký
Phí Không phải nộp phí Phải nộp phí
Thời hạn Trong suốt thời gian thẩm định nhãn hiệu, miễn là nộp trước khi quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được ban hành. 5 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố và trước ngày ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Thủ tục Cục Sở hữu trí tuệ chỉ tiếp nhận ý kiến của người thứ ba, nhưng có thể không có phản hồi hay phải thiết lập thủ tục riêng để giải quyết ý kiến của người thứ ba. Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận ý kiến phản đối, cấp số đơn phản đối, phải thiết lập cơ chế, trình tự, thủ tục để giải quyết ý kiến phản đối như một thủ tục độc lập (tương tự như thủ tục chấm dứt, hủy bỏ hoặc khiếu nại).
Tính chất Chỉ là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (chỉ là ý kiến mang tính chất nguồn thông tin tham khảo). Là một thủ tục riêng biệt, độc lập, giống các thủ tục khác như: chấm dứt hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực hoặc khiếu nại.

Hình thức phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam

Khi nhận thấy đơn đăng ký nhãn hiệu đã được nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ có dấu hiệu xâm phạm, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền gửi ý kiến của mình tới Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp hoặc không cấp đối với đơn đăng ký đó. Để thực hiện thủ tục phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu đang nộp tới Cục Sở hữu trí tuệ.

Bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền thực hiện thủ tục phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, cần đáp ứng yêu cầu luật định về hình thức như phải lập thành văn bản phản đối đơn kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí cho việc phản đối đơn.

Thời hạn tiến hành thủ tục phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu

  • Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, để thực hiện thủ tục phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu, người phản đối cần thực hiện trong thời hạn 5 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố.
  • Nếu quá thời hạn nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ không tiếp nhận đơn phản đối của bên thứ ba đối với nhãn hiệu đã công bố.
  • Trường hợp này, các bên thứ ba chỉ còn cách đưa ra ý kiến của mình bằng văn bản để gửi tới Cục Sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, đây sẽ chỉ được coi là nguồn thông tin tham khảo.

Lưu ý: Ý kiến phản đối phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí.

Trình tự, thủ tục phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu

Hồ sơ cần cung cấp

Tài liệu cần thiết để phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

  • Đơn phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bao gồm các nội dung: thông tin đơn bị phản đối, thông tin chủ đơn của đơn bị phản đối, nhóm sản phẩm/ dịch vụ bị phản đối, lý do phản đối, lập luận chứng minh lý do phản đối.
  • Các tài liệu hoặc thông tin chứng minh lý do phản đối.
  • Văn bản ủy quyền cho đại diện thực hiện thủ tục phản đối đơn (nếu có)

Nơi nhận hồ sơ

Trên cơ sở hồ sơ phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu nêu trên, người phản đối hoặc đại diện của người phản đối nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Cục Sở hữu trí tuệ hoặc các văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ.

Quy trình thực hiện thủ tục phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, quy trình xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu được thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ theo trình tự như sau:

  • Bước 1: Kiểm tra tính hợp lệ về hình thức đơn, tiếp nhận và thông báo về ý kiến đó cho người nộp đơn, trong đó ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn trả lời bằng văn bản, trừ trường hợp:
    • Nhãn hiệu được xác định là trùng hoặc có cơ sở rõ ràng để kết luận có hay không các nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn với nhau thì Cục sẽ xử lý phản đối trong quá trình thẩm định nội dung đơn và thông báo kết quả cho người phản đối cùng với thủ tục ra Thông báo kết quả thẩm định nội dung; hoặc
    • Phản đối liên quan đến quyền đăng ký, Cục sẽ ra thông báo để người phản đối nộp đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền.
  • Bước 2: Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của người nộp đơn trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, nếu xét thấy cần thiết, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến phản hồi cho người phản đối và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người phản đối trả lời bằng văn bản về ý kiến phản hồi đó.
  • Bước 3: Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người phản đối và người nộp đơn để làm rõ hơn vấn đề có ý kiến phản đối nếu xét thấy cần thiết hoặc có yêu cầu của cả hai bên.
  • Bước 4: Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến phản đối và thông báo kết quả xử lý ý kiến phản đối cùng với kết quả thẩm định nội dung đơn tương ứng cho người phản đối và ấn định thời hạn 02 tháng để người phản đối phản hồi lại.
  • Bước 5: Nếu quá thời hạn 02 tháng mà người phản đối không phản hồi coi như người phản đối rút bỏ ý kiến phản đối và tiếp tục xử lý đơn như không có ý kiến phản đối. Trường hợp Cục nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án của người phản đối trong thời hạn nêu trên, Cục tạm dừng việc xử lý đơn, sau khi nhận được kết quả giải quyết của Tòa án, mới tiếp tục việc xử lý đơn theo kết quả đó.

Lưu ý về ngôn ngữ được sử dụng trong các văn bản trao đổi:

Ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt. Tài liệu kèm theo ý kiến phản đối có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay tìm hiểu kỹ hơn về thời hạn phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu và các vấn đề khác của đăng ký nhãn hiệu, xin vui lòng liên hệ Luật Đăng Quang để được hỗ trợ tốt nhất.

Đánh giá post này

Liên hệ với chúng tôi

Hotline: 0333.749.362
Gọi tư vấn
Yêu cầu báo giá dịch vụ