Hiện nay, với sự phát triển của đời sống xã hội, nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng cao. Cùng với đó là sự phát triển của y tế cũng như nhu cầu đầu tư y tế khiến cho việc thành lập các cơ sở y tế ngày càng tăng. Các cơ sở y tế khi thành lập phải tiến hành những thủ tục pháp lý để có thể đi vào hoạt động một cách hợp pháp. Vậy khi mở phòng khám chuyên khoa, cần lưu ý những thủ tục gì? Sau đây, Luật Đăng Quang sẽ cung cấp những thông tin về thủ tục mở phòng khám chuyên khoa theo quy định của pháp luật.
Căn cứ pháp lý
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
- Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
- Thông tư 59/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế.
Phòng khám chuyên khoa là gì?
Phòng khám chuyên khoa là một trong những hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 của Nghị định 96/2023/NĐ-CP, phòng khám chuyên khoa là loại hình phòng khám của cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
Phòng khám chuyên khoa bao gồm một số loại hình phòng khám như Phòng khám chuyên khoa phụ sản; Phòng khám chuyên khoa nam học; Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; Phòng khám chuyên khoa tâm thần; Phòng khám chuyên khoa da liễu;…
Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa
Theo Điều 67 của Nghị định 96/2023/NĐ-CP, thẩm quyền cấp giấy phép phòng khám chuyên khoa bao gồm:
- Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế.
- Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động đối với các phòng khám chuyên khoa trên địa bàn quản lý.
Thủ tục mở phòng khám chuyên khoa
Bước 1: Nộp hồ sơ
Phòng khám chuyên khoa gửi hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động về Bộ Y tế hoặc Sở Y tế theo quy định.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động của phòng khám chuyên khoa được lập thành 01 bộ và bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động;
- Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;
- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề và giấy xác nhận quá trình hành nghề của người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Bản kê khai cơ sở vật chất, danh mục thiết bị y tế, danh sách nhân sự đáp ứng điều kiện cấp giấy phép hoạt động và các giấy tờ chứng minh, xác nhận các kê khai đó;
- Danh sách ghi rõ họ tên, số giấy phép hành nghề của từng người hành nghề đăng ký hành nghề tại cơ sở;
- Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Cùng với việc nộp hồ sơ, đơn vị phòng khám còn phải nộp lệ phí thẩm định. Phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa theo quy định của Thông tư 59/2023/TT-BTC là 4.300.000 đồng.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tiếp nhận và gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đề nghị. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động, cơ quan tiếp nhận thực hiện như sau:
- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ thì sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận gửi ngay cho cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động Phiếu tiếp nhận hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu điện thì trong thời hạn 03 ngày, tính từ thời điểm nhận được hồ sơ (tính theo dấu bưu điện đến), cơ quan tiếp nhận gửi cho cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ:
- Cơ quan cấp giấy phép hoạt động tổ chức thẩm định điều kiện hoạt động và danh mục kỹ thuật thực hiện tại cơ sở đề nghị và lập biên bản thẩm định trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ;
- Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải cấp mới giấy phép hoạt động và ban hành quyết định phê duyệt danh mục kỹ thuật thực hiện tại cơ sở trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành biên bản thẩm định;
- Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải nêu rõ trong nội dung của biên bản thẩm định.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo và tài liệu chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa của cơ sở đề nghị, cơ quan cấp giấy phép hoạt động có thể tiến hành kiểm tra thực tế việc khắc phục, sửa chữa của cơ sở đề nghị trong trường hợp cần thiết hoặc thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động. Trường hợp không cấp giấy phép hoạt động phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ:
- Cơ quan cấp giấy phép hoạt động phải có văn bản gửi cơ sở đề nghị, trong đó phải nêu cụ thể các tài liệu, nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ.
- Sau khi sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ sở đề nghị gửi văn bản thông báo và tài liệu chứng minh đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung.
- Sau khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp giấy phép hoạt động có trách nhiệm thực hiện trình tự theo quy định đối với trường hợp không còn có yêu cầu sửa đổi, bổ sung và đối với trường hợp cơ sở đã sửa đổi, bổ sung nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.
Bước 4 : Cấp Giấy phép hoạt động cho phòng khám chuyên khoa và quản lý giấy phép hoạt động
Giấy phép hoạt động được lập thành 02 bản: 01 bản cấp cho cơ sở đề nghị và 01 bản lưu tại cơ quan cấp giấy phép hoạt động trừ trường hợp đã trả kết quả trên môi trường điện tử.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép hoạt động, cơ quan cấp giấy phép hoạt động công bố trên cổng thông tin điện tử của mình và trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh các thông tin sau: tên, địa chỉ cơ sở được cấp giấy phép hoạt động; họ, tên và số giấy phép hành nghề người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật; số giấy phép hoạt động; phạm vi hoạt động chuyên môn và thời gian hoạt động chuyên môn.
Điều kiện mở phòng khám chuyên khoa theo quy định hiện hành
Để thành lập được phòng khám chuyên khoa, phòng khám chuyên khoa phải được cấp giấy phép hoạt động. Giấy phép hoạt động của phòng khám chuyên khoa chỉ được cấp khi phòng khám đó đáp ứng các điều chung của cơ sở khám chữa bệnh tại Điều 40 của Nghị định 96/2023/NĐ-CP cũng như những điều kiện cụ thể đối với phòng khám chuyên khoa theo quy định tại Điều 43 của Nghị định 96/2023/NĐ-CP:
Về quy mô phòng khám đa khoa
- Có tối thiểu một chuyên khoa;
- Trường hợp phòng khám chuyên khoa đáp ứng đủ điều kiện tương ứng với các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác (trừ hình thức bệnh viện) thì được bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn tương ứng với hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó nhưng tối đa không quá 03 hình thức tổ chức.
Về cơ sở vật chất
- Có địa điểm cố định đáp ứng các quy định của pháp luật về: an toàn chịu lực, phòng cháy và chữa cháy, kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo vệ môi trường, an toàn bức xạ (nếu có); bảo đảm đủ điện, nước phục vụ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Có biển hiệu, có sơ đồ và biển chỉ dẫn đến các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn, hành chính;
- Phòng khám phải có nơi đón tiếp người bệnh, phòng khám bệnh có diện tích tối thiểu 10 m2;
- Trường hợp có thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật thì ngoài phòng khám bệnh phải có thêm phòng để thực hiện kỹ thuật, thủ thuật có diện tích tối thiểu 10 m2; nếu có thực hiện kỹ thuật vận động trị liệu thì phòng để thực hiện kỹ thuật, thủ thuật phải có diện tích tối thiểu 20 m2;
- Có khu vực tiệt khuẩn để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt khuẩn lại hoặc có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để tiệt khuẩn dụng cụ.
Về thiết bị y tế
- Có thiết bị y tế phù hợp với danh mục chuyên môn kỹ thuật và phạm vi hoạt động đăng ký.
- Có hộp cấp cứu phản vệ và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa phù hợp với các chuyên khoa thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám.
Về nhân sự
- Có đủ người hành nghề theo quy mô, danh mục kỹ thuật và đạt tỷ lệ người hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế (bao gồm cả người hành nghề đã được cơ quan cấp phép thuộc lực lượng vũ trang nhân dân cấp giấy phép hành nghề nhưng không tiếp tục làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân và vẫn tiếp tục sử dụng giấy phép hành nghề đã được cấp);
- Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là người hành nghề toàn thời gian của cơ sở và có phạm vi hành nghề phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, có thời gian hành nghề ở phạm vi đó tối thiểu 36 tháng, trừ trường hợp người hành nghề có chức danh là lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Người phụ trách bộ phận chuyên môn, đơn vị chuyên môn của cơ sở phải có giấy phép hành nghề phù hợp với chuyên khoa đó và phải là người hành nghề toàn thời gian tại cơ sở;
- Người hành nghề phải được phân công công việc đúng phạm vi hành nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Dịch vụ mở phòng khám chuyên khoa của Luật Đăng Quang
- Tư vấn thành lập phòng khám chuyên khoa;
- Soạn thảo, hoàn thiện các hồ sơ và trực tiếp làm việc với cơ quan có thẩm quyền liên quan đến thủ tục xin cấp giấy phép phòng khám chuyên khoa;
- Theo dõi, thay mặt khách hàng bổ sung giấy tờ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền trong quá trình làm thủ tục;
- Nhận kết quả và bàn giao giấy phép đến cho khách hàng theo hợp đồng.
- Hỗ trợ, tư vấn pháp lý thường xuyên cho khách hàng sau thành lập.
Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ hồ sơ, thủ tục mở phòng khám chuyên khoa, xin vui lòng liên hệ Luật Đăng Quang để được hỗ trợ tốt nhất!