13/12/2023 - 09:56

Tiêu chuẩn kế toán trưởng công ty

Kế toán trưởng là một vị trí không thể thiếu trong doanh nghiệp. Để trở thành kế toán trưởng của công ty, cá nhân ngoài đáp ứng những yêu cầu về chuyên môn, bằng cấp còn phải đáp ứng các tiêu chí khác. Trong bài viết dưới đây, Luật Đăng Quang sẽ giải đáp thắc mắc của Quý khách hàng về tiêu chuẩn kế toán trưởng công ty theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Tiêu chuẩn kế toán trưởng công ty

Căn cứ pháp lý

  • Luật Kế toán năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019.
  • Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 151/2018/NĐ-CP.
  • Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP.
  • Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kế toán trưởng công ty là gì?

Căn cứ theo Điều 54 Luật Kế toán, kế toán trưởng được hiểu là người đứng đầu bộ máy kế toán của đơn vị có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán. Kế toán trưởng chịu sự lãnh đạo của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; trường hợp có đơn vị kế toán cấp trên thì đồng thời chịu sự chỉ đạo và kiểm tra của kế toán trưởng của đơn vị kế toán cấp trên về chuyên môn, nghiệp vụ.

Công ty có bắt buộc phải có kế toán trưởng không?

Theo Khoản 1 Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp bắt buộc phải có kế toán trưởng. Nếu chưa tìm được người đủ điều kiện để làm kế toán trưởng, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ kế toán hoặc bổ nhiệm người phụ trách kế toán trong vòng 12 tháng, sau thời gian này phải bố trí người làm kế toán trưởng.

Tuy nhiên, cũng theo Khoản 2 Điều này, các doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP (số lao động tham gia BHXH tối đa 10 người, tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng, tổng doanh thu năm không quá 10 tỷ đồng với doanh nghiệp thương mại dịch vụ và không quá 10 tỷ đối với doanh nghiệp xây dựng, nông nghiệp) có thể bố trí người phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải là kế toán trưởng.

Như vậy, tất cả các doanh nghiệp trong khối tư nhân đều phải bố trí vị trí kế toán trưởng, trừ doanh nghiệp siêu nhỏ.

Tiêu chuẩn kế toán trưởng công ty là gì?

Tiêu chuẩn chung

Căn cứ Khoản 1 Điều 51 và Khoản 1 Điều 54 Luật Kế toán năm 2015 quy định tiêu chuẩn người làm kế toán phải có:

  • Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
  • Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán;
  • Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên;
  • Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;
  • Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.

Ngoài ra, để được bổ nhiệm làm kế toán trưởng thì người đó không phải là đối tượng bị pháp luật cấm đảm nhiệm chức vụ kế toán trưởng tại doanh nghiệp. Căn cứ theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 52 Luật Kế toán năm 2015 và Khoản 2 và Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định những người không được làm kế toán như sau:

  • Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
  • Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.
  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  • Người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ

Căn cứ Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định đối với chức vụ kế toán trưởng của các đơn vị kế toán sau đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên, bao gồm:

  • Cơ quan có nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước các cấp;
  • Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Quốc hội, cơ quan khác của nhà nước ở trung ương và các đơn vị kế toán trực thuộc các cơ quan này;
  • Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  • Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương; các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc các cơ quan này;
  • Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh;
  • Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp trung ương, cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước;
  • Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc dự án nhóm A và dự án quan trọng quốc gia;
  • Đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện;
  • Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
  • Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên;
  • Chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Căn cứ Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định đối với chức vụ kế toán trưởng của các đơn vị kế toán sau đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, bao gồm:

  • Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có tổ chức bộ máy kế toán (trừ các đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện);
  • Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp huyện, cơ quan của tỉnh đặt tại cấp huyện;
  • Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp huyện có sử dụng ngân sách nhà nước;
  • Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước trừ các trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 Điều này;
  • Đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn;
  • Đơn vị sự nghiệp công lập ngoài các đơn vị quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
  • Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam không có vốn nhà nước, có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng;
  • Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng.

Ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện chung của kế toán trưởng thì kế toán trưởng của doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Kế toán trưởng của doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
  • Kế toán trưởng của doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam không có vốn nhà nước, có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên.

Về thời gian công tác thực tế làm kế toán

Đối với kế toán trưởng, phụ trách kế toán của công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước hoặc là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ phải có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 05 năm.

Như vậy, để trở thành kế toán trưởng cần phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng, ngoài ra còn cần phải đáp ứng các quy định cụ thể tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng phù hợp với từng loại đơn vị kế toán.

Xử phạt trong việc bổ nhiệm kế toán trưởng

Kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán là chức danh quan trọng bắt buộc phải có trong mỗi công ty. Căn cứ Điều 17 Nghị định số 41/2018/NĐ-CP, nếu công ty có hành vi vi phạm trong quá trình bổ nhiệm sẽ bị xử phạt, cụ thể phạt từ 5 – 10 triệu trong trường hợp:

  • Không bổ nhiệm lại kế toán trưởng, phụ trách kế toán theo thời hạn quy định;
  • Không bàn giao công việc khi có thay đổi về kế toán trưởng, phụ trách kế toán;
  • Không thông báo khi thay đổi kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán.

Chịu mức phạt từ 10 – 20 triệu đồng trong trường hợp:

  • Không bố trí, bổ nhiệm kế toán trưởng;
  • Bố trí người làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đúng trình tự, thủ tục.

Như vậy, đối với những đơn vị kế toán, doanh nghiệp không bổ nhiệm vị trí kế toán trưởng theo đúng quy định pháp luật thì sẽ chịu mức phạt hành chính lên đến 20 triệu đồng.

Trên đây là thông tin về tiêu chuẩn kế toán trưởng công ty. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn thủ tục, hồ sơ, giấy phép, dịch vụ kế toán thuế, kê khai thuế cho doanh nghiệp xin vui lòng liên hệ Luật Đăng Quang để được hỗ trợ hiệu quả nhất.

Đánh giá post này

Liên hệ với chúng tôi

Hotline: 0333.749.362
Gọi tư vấn
Yêu cầu báo giá dịch vụ